Hãy không ngừng Học hỏi – Đam mê – Sáng tạo để đi tới thành công

Thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên, nhằm đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục thực hiện đổi mới dạy học theo định hướng STEM đối với các môn khoa học, ngày 25/11/2021, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa, trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã tổ chức chuyên đề Vật lí 7: Tìm hiểu nguyên lý chế tạo nhạc cụ.

Đúng như mục tiêu của chuyên đề: đổi mới dạy học theo định hướng STEM, tiết học đã được xây dựng gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn của học trò. Thầy Lại Văn Thắng – giáo viên trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã cùng các em học sinh sử dụng những dụng cụ rất đơn giản, quen thuộc trong gia đình: Cốc nước, thìa, đũa, chun… để tạo ra các âm thanh khác nhau; từ đó giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh được kiến thức của phần nguồn âm, tự tin có thể chế tạo ra các nhạc cụ đơn giản, thô sơ. Âm nhạc vốn là lĩnh vực chuyên biệt, chế tạo các nhạc cụ lại càng là điều xa vời trong suy nghĩ trước đây của học sinh. Nhưng dưới sự dẫn dắt, khơi lửa tài tình của thầy Lại Thắng, với sự say mê, ham khám phá, sáng tạo của các bạn học sinh lớp 7A01, các con đã nhanh chóng bị cuốn vào thế giới của âm thanh – từ những thứ rất đỗi đời thường, quen thuộc của cuộc sống, lại trở nên đặc biệt; từ những kiến thức vật lí khô khan, lại trở nên nhẹ nhàng, sống động. Chính từ những ngọn lửa nhỏ được thầy nhen lên, từ những dụng cụ âm nhạc giản đơn được sáng tạo ra trong tiết học này, chắc chắn các em học sinh sẽ cháy tiếp đam mê, để làm nên những điều kì diệu hơn trong tương lai. Đó chẳng phải là là đích đến của giáo dục hay sao!

Sở dĩ tiết học có thể đi trọn vẹn mục tiêu của nó là vì hoạt động STEM đã không còn xa lạ gì với thầy và trò trường THCS Nguyễn Trường Tộ trong những năm vừa qua. Đón đầu xu hướng, coi đây là một hoạt động mũi nhọn trong định hướng đổi mới giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập câu lạc bộ STEM với mục đích giúp học sinh được tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống (có thể các em dề xuất, hoặc do giáo viên yêu cầu). Ứng với mỗi chủ đề kiến thức (chủ yếu là ở môn Vật lý) trong các tiết học trên lớp, giáo viên sẽ định hướng cho học sinh chế tạo một sản phẩm. Thông qua hoạt động đó, các em sẽ phát huy được đầy đủ năng lực của mình với các trải nghiệm: từ xác định nhiệm vụ, đưa phương án thiết kế, sử dụng vật liệu, chế tạo, trang trí, đến khâu hoàn thiện. Từ đó, học sinh sẽ làm quen với cách sử dụng các vật liệu, trang thiết bị, có được những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, biết sắp xếp tiến trình làm việc để công việc hiệu quả nhất. Sinh hoạt tại câu lạc bộ STEM, các bạn học sinh có thêm cơ hội để giao lưu, trao đổi sở thích, niềm đam mê khoa học với nhau; được hiểu thấu đáo, bản chất các kiến thức thực tế trên lớp, được thỏa chí tò mò, phát huy tính sáng tạo và gắn kiến thức được học với thực tiễn cuộc sống.

Hàng năm, “Ngày hội STEM” được nhà trường tổ chức là nơi để các em có thể trưng bày các sản phẩm của mình – những thành quả từ sự nỗ lực, vun trồng đam mê. Sau bốn năm đi vào hoạt động, không thể kể hết được những sản phẩm sáng tạo của các em học sinh trong câu lạc bộ: sáng chế sản phẩm gắp quà sử dụng cánh tay Robot; trải nghiệm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng Robotic; trải nghiệm pit-tong nâng hàng; trải nghiệm điều khiển Robot Tiny…. Mỗi sản phẩm đó không chỉ là niềm vui của các trò mà còn là niềm hạnh phúc của thầy cô, khi nhìn thấy quả ngọt mình gieo trồng.

Tin rằng, với những gì đã và đang làm được, dù còn giản dị, câu lạc bộ STEM sẽ tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình: khơi nguồn đam mê khoa học, nuôi dưỡng tài năng sáng tạo cho các bạn học sinh dưới mái nhà Nguyễn Trường Tộ với châm ngôn: “Hãy không ngừng Học hỏi – Đam mê- Sáng tạo để đi tới thành công”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *